Tin tức & Sự kiện

Ngày 29-06-2017

Một số vấn đề về dự thảo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư

Thời gian qua, có nhiều góp ý cho dự thảo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS), trong đó có những ý kiến không đồng tình với các quy định cứng về viết sách, chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đào tạo thạc sĩ/ tiến sĩ, Bộ GD-ĐT thông tin tới độc giả một số vấn đề sau

1. Quy định PGS, GS viết sách phục vụ đào tạo, chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hướng dẫn thạc sĩ, tiến sĩ.

Nội dung của dự thảo này phải được xây dựng trên cơ sở quy định của Luật giáo dục, Luật giáo dục đại học. Cả hai Luật này đều quy định PGS, GS là các chức danh của giảng viên, tức là của nhà giáo giảng dạy ở bậc đại học. Giảng viên có hai nhiệm vụ chính là giảng dạy và nghiên cứu. Việc yêu cầu PGS, GS phải viết sách phục vụ đào tạo không chỉ nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu của PGS, GS mà còn giúp cho sinh viên, học viên có tài liệu để học tập và nghiên cứu tốt hơn.

Quy định này, gắn trách nhiệm của giáo sư Việt Nam trong việc chung sức làm cho kho tàng sách khoa học của thế giới tăng lên, để nhân loại cùng được hưởng. Chúng ta cũng không thể cứ “bê nguyên” tất cả các sách nước ngoài về cho sinh viên học mà cần phải biên dịch cho phù hợp với Việt Nam. So với việc công bố quốc tế các bài báo khoa học thì viết sách là một việc làm khó hơn, đòi hỏi phải đầu tư về trí tuệ, thời gian và sự tâm huyết. Có được cuốn sách hay không chỉ thể hiện quá trình lao động nghiêm túc của các nhà khoa học mà còn là sản phẩm “để đời” cho các thế hệ sau. So sánh việc viết sách và công bố bài báo khoa học phải được xem xét trên cùng một bình diện, đó là sách phải được nhà xuất bản có uy tín trên thế giới xuất bản và bài báo khoa học cũng phải được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới.

 

Đồng tình với quan điểm này, GS.TSKH Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, viết bài báo khoa học quốc tế dễ hơn nhiều, có khi chỉ 6 tháng đã có được một bài báo. Tuy nhiên, muốn viết một cuốn sách chuyên khảo phải mất ít nhất 20 năm.

"Sách chuyên khảo là công trình của một người hoặc một nhóm, một trường phái nào đó đeo đuổi cả đời, không thể sao chép tài liệu của người khác. Như cả đời tôi mất 50 năm chỉ để viết 2 cuốn chuyên khảo là Các phương pháp mới trong tạo giống; Đột biến thực nghiệm và chọn tạo lúa lai", GS Quý cho biết.

“Bài báo khoa học quốc tế cũng có mức độ khó khác nhau và tùy từng tạp chí, chỉ số cho bao nhiêu điểm. Viết sách hay viết bài báo quốc tế đều có cái khó riêng của nó. Nếu làm ở phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất đầy đủ, máy móc nghiêm chỉnh, thầy giỏi thì viết bài báo quốc tế rất dễ. Nhưng phải 10-15 bài báo quốc tế mới viết được ra 1 quyển sách chuyên khảo, bởi mỗi bài người ta chỉ lọc được một ít để viết. Sách chuyên khảo có giá trị cao nhất trong phong hàm GS", ông nói.

                                                                                                                                 

2. Về vấn đề thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (NCKH), đây cũng là hoạt động nghiên cứu. Để hoàn thành nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong đó đã có công bố bài báo khoa học, thậm chí phải công bố quốc tế các bài báo đó. Mặt khác, kết quả của các đề tài NCKH còn được ứng dụng vào thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động này cần có sự đóng góp của các GS,PGS. Còn việc hướng dẫn NCS, theo quy chế đào tạo tiến sĩ, những giảng viên có trình độ tiến sĩ đã tham gia đào tạo, hướng dẫn NCS. Do đó, quy định ứng viên chức danh GS có hướng dẫn NCS là hoàn toàn phù hợp.

3. Khác các nước, luật của Việt Nam quy định giảng viên (trong đó có GS, PGS) là phải vừa giảng dạy vừa nghiên cứu, còn các nước thì GS có thể chỉ nghiên cứu thôi chứ không nhất thiết phải giảng dạy. Việt Nam cũng có các nhà khoa học chuyên làm nhiệm vụ nghiên cứu, họ làm việc trong các viện nghiên cứu, chức danh của họ là nghiên cứu viên, nghiên cứu viên chính, nghiên cứu viên cao cấp. Hiện nay ở nước ta tồn tại hai loại chức danh nghề nghiệp, một cho nghiên cứu (theo Luật Khoa học công nghệ), một cho giảng dạy (theo Luật Giáo dục và Luật giáo dục ĐH).

4. Về nhiệm vụ hướng dẫn thạc sĩ, tiến sĩ: Trong quy chế đào tạo tiến sĩ, điều kiện để mở ngành đào tạo tiến sĩ yêu cầu phải có đội ngũ giảng viên có bằng tiến sĩ trở lên (nếu có chức danh PGS, GS thì càng tốt). Như vậy, trước khi được bổ nhiệm chức danh PGS, nhiều tiến sĩ đã tham gia đào tạo và hướng dẫn NCS. Một giảng viên có chức danh PGS có đủ điều kiện và năng lực để tham gia đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Trong dự thảo đề xuất ứng viên chức danh GS đã được bổ nhiệm chức danh PGS. Do đó, đưa ra quy định ứng viên chức danh GS có tiêu chuẩn hướng dẫn NCS là phù hợp. Còn sau khi được bổ nhiệm chức danh GS thì sẽ được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ ở mức độ cao hơn. Tiêu chuẩn đang làm là tiêu chuẩn để bổ nhiệm, chứ không phải là tiêu chuẩn cho những người đã là giáo sư.

Tuy nhiên, Ban soạn thảo cũng không cực đoạn về vấn đề này. Trong dự thảo tiêu chuẩn chức danh PGS, GS chúng tôi cũng đã đề xuất: “ứng viên không có sách thì được bù bằng điểm bài báo khoa học; ứng viên không thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ hoặc không hướng dẫn thạc sĩ, tiến sĩ thì thay thế bằng bài báo khoa học công bố quốc tế”. Có nghĩa là vẫn khuyến khích việc viết sách, nhưng ai có thế mạnh về công bố quốc tế thì có thể cho phép thay thế.

5. Điểm mới của dự thảo: Dự thảo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư lần này có nhiều điểm mới: đưa ra việc phân chia nhóm ngành KHTN, KT và CN và nhóm ngành KHXH&NV riêng biệt; trước đây không bắt buộc ứng viên phải công bố bài báo quốc tế, nay bắt buộc phải có công bố quốc tế. Tổng điểm công trình khoa học quy đổi tăng lên (GS tăng từ 12 lên 20 điểm; PGS tăng từ 6 lên 8 điểm); Quy định việc quy đổi điểm bài báo quốc tế cũng có sự phân biệt mức độ khác nhau rõ rệt (ví dụ: Một bài báo khoa học được công bố trên tạp chí khoa học trong tập hợp SCI, SSCI, A&HCI, SCIE được tính tối đa 3,0 điểm; nếu thuộc hệ thống ISI nhưng nằm ngoài tập hợp SCI, SSCI, A&HCI, SCIE được tính tối đa 2,5 điểm; thuộc hệ thống Scopus được tính tối đa 2,0 điểm. Một bài báo khoa học có phản biện và được công bố trên tạp chí có mã số chuẩn quốc tế ISSN, không thuộc hệ thống ISI và Scopus, được tính tối đa 1,0 điểm. Điểm cho bài báo được căn cứ vào chất lượng, chỉ số ảnh hưởng (IF) của bài báo và uy tín của tạp chí).

Nguyễn Hải Thập

(Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Sưu tầm: http://www.moet.gov.vn/giaoducquocdan/nha-giao-va-can-bo-quan-ly-giao-duc/Pages/Default.aspx?ItemID=4857.

Các bài liên quan