Hội đồng chức danh
Ngày 12-09-2013
Thông báo về kỳ họp thứ nhất hội đồng chức danh giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2009 -2014
Ngày 21/4/2009 Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) nhiệm kỳ 2009 – 2014 đã họp phiên toàn thể đầu tiên tại Hà Nội với sự có mặt của 25 thành viên trong tổng số 29 thành viên Hội đồng, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng, GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hội đồng vui mừng được đón tiếp đại biểu các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và Hà Nội, các trường đại học, các cơ quan thông tấn, báo chí. Các thành viên Hội đồng rất phấn khởi tham dự phiên họp đầu tiên của Hội đồng, được gặp gỡ, trao đổi với các Giáo sư thành viên Hội đồng nhiệm kỳ trước.
HĐCDGSNN nhiệm kỳ 2009-2014 có 29 thành viên trong đó có 1 nữ giáo sư, 7 thành viên của Hội đồng nhiệm kỳ trước được tái bổ nhiệm, có 27 thành viên sẽ là Chủ tịch của 27 Hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành (HĐCDGSN).
Hội đồng đã nghe các báo cáo, trao đổi và quyết nghị một số nội dung chính sau đây:
1. Quán triệt tinh thần của Quyết định 174/2008/QĐ-TTg, ngày 31/12/2008, của Thủ tướng Chính phủ, ban hành Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS)
Theo Quyết định 174: Thủ tục bổ nhiệm chức danh GS, PGS bao gồm việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS và việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS. (Theo Nghị định 20: Thủ tục bổ nhiệm chức danh GS, PGS bao gồm việc xét công nhận các chức danh này và việc bổ nhiệm vào các ngạch GS và PGS ).
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch HĐCDGSNN, GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh những nội dung cơ bản và những đổi mới quan trọng của Quyết định 174/2008 so với Nghị định 20/2001:
- Tiếp tục nâng cao chất lượng việc xét đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS theo hướng hội nhập để sớm đạt được chuẩn mực khu vực và quốc tế.
- Tăng cường quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học trong việc xét, bổ nhiệm các chức danh GS, PGS.
- Hội đồng Chức danh giáo sư các cấp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để cải tiến việc tổ chức họp, thảo luận và các khâu trong việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.
2. Hội đồng thảo luận, trao đổi về nội dung các văn bản dự thảo:
- Hướng dẫn thực hiện Quyết định 174 ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
- Các quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước; Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành; Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở.
- Kế hoạch công tác và lịch xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2009.
- Báo cáo tổng kết công tác của HĐCDGSNN nhiệm kỳ 2001-2007.
3. Sau khi trao đổi, thảo luận HĐCDGSNN đã quyết nghị về những điểm mới và quan trọng:
3.1. Về các tiêu chuẩn chức danh GS, PGS
- Tiêu chuẩn bài báo khoa học: Cách tính điểm cho mỗi bài báo khoa học chủ yếu dựa vào chất lượng khoa học của chính bài báo, có tham khảo đến uy tín khoa học của tạp chí đăng tải bài báo đó. Mỗi bài báo được tính từ 0 đến 2 điểm (Hướng dẫn thực hiện Nghị định 20: Từ 0 đến 1 điểm) và điểm 2 chỉ dành cho những bài báo đặc biệt xuất sắc được đăng trên các tạp trí hàng đầu của quốc tế và Việt Nam được nhiều người trích dẫn. HĐCDGSN phân loại các tạp chí khoa học chuyên ngành được tính điểm và trình HĐCDGSNN quyết định.
- Sách phục vụ đào tạo đại học, sau đại học gồm 4 loại, được tính điểm như sau: Sách chuyên khảo được tính từ 0 đến 3 điểm; Giáo trình được tính từ 0 đến 2 điểm; Sách tham khảo được tính từ 0 đến 1,5 điểm; Sách hướng dẫn được tính từ 0 đến 1 điểm (Hướng dẫn thực hiện Nghị định 20 quy định điểm cao hơn: Sách chuyên khảo từ 0 đến 4 điểm; Giáo trình từ 0 đến 3 điểm; Sách tham khảo từ 0 đến 2 điểm; Sách hướng dẫn từ 0 đến 1 điểm).
- Tiêu chuẩn đề tài NCKH: Ứng viên chức danh PGS phải chủ trì ít nhất 2 đề tài NCKH cấp cơ sở hoặc 1 đề tài NCKH cấp Bộ hoặc đề tài cấp cao hơn đã nghiệm thu với kết quả từ đạt yêu cầu trở lên. Tiêu chuẩn này được áp dụng từ ngày 01/01/2011. Chủ nhiệm đề tài cấp cơ sở được tính từ 0 đến 0,25 điểm, nếu đề tài có giá trị khoa học cao và có ý nghĩa thực tiễn (Nghị định 20 chỉ yêu cầu chủ trì 1 đề tài cấp cơ sở hoặc tham gia 1 đề tài cấp Bộ và không được tính điểm).
- Tiêu chuẩn ngoại ngữ chung cho chức danh GS, PGS: Sử dụng thành thạo một ngoại ngữ trong chuyên môn và giao tiếp được bằng tiếng Anh. Tiêu chuẩn này được áp dụng từ ngày 01/01/2011 (Nghị định 20 chỉ yêu cầu chức danh GS sử dụng thành thạo 1 trong 5 ngoại ngữ Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức; Chức danh PGS chỉ yêu cầu thành thạo 1 ngoại ngữ bất kỳ).
- Tiêu chuẩn đào tạo sau đại học: Ứng viên chức danh GS phải hướng dẫn chính 2 NCS đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ; Ứng viên chức danh PGS phải hướng dẫn ít nhất 2 học viên cao học đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ hoặc hướng dẫn (chính hoặc phụ) 1 NCS đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Tiêu chuẩn này được áp dụng từ ngày 01/01/2011 ( Hướng dẫn Nghị định 20: Đối với ứng viên chức danh GS chỉ yêu cầu hướng dẫn 2 NCS trong đó hướng dẫn chính 1 NCS đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ; Đối với ứng viên chức danh PGS chỉ yêu cầu hướng dẫn chính 1 học viên cao học đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ hoặc hướng dẫn (chính hoặc phụ) 1 NCS đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ).
- Quy định về thẩm định hồ sơ:
+ Hồ sơ của mỗi ứng viên được 3 người thẩm định (Nghị định 20 chỉ yêu cầu 2 người).
+ Để từng bước nâng cao chất lượng khoa học và hội nhập quốc tế trong việc xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, khi thấy cần thiết Hội đồng Chức danh giáo sư các cấp có thể mời các GS, PGS người Việt Nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài am hiểu lĩnh vực chuyên môn của ứng viên, có uy tín khoa học cao và phẩm chất tốt, để thẩm định những phần mà các GS, PGS đó có điều kiện tham gia.
+ Trước khi Hội đồng thẩm định, ứng viên có trách nhiệm tự đánh giá chất lượng khoa học các bài báo, sách của mình và xếp theo thứ tự chất lượng từ cao xuống thấp, không nhất thiết xếp theo trật tự thời gian.
- Yêu cầu về tỷ lệ phiếu bầu ở các cấp Hội đồng có thay đổi: Đạt từ 2/3 số phiếu tín nhiệm trở lên của tổng số thành viên HĐCDGSCS, đạt từ 3/4 số phiếu tín nhiệm trở lên của tổng số thành viên HĐCDGSN và đạt từ 2/3 số phiếu tín nhiệm trở lên của tổng số thành viên HĐCDGSNN. ( Nghị định 20: Các quyết định của Hội đồng Chức danh giáo sư các cấp chỉ có hiệu lực khi có ít nhất 3/4 tổng số thành viên Hội đồng tham gia biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín với tỷ lệ quy định sau:
+ Đối với HĐCDGSCS phải có trên 2/3 số thành viên có mặt tại phiên họp tán thành;
+ Đối với HĐCDGSN phải có trên 3/4 số thành viên có mặt tại phiên họp tán thành;
+ Đối với HĐCDGSNN phải có trên 1/2 số thành viên có mặt tại phiên họp tán thành ).
- Tiêu chuẩn điểm tối thiểu của ứng viên chức danh GS, PGS áp dụng cho đợt xét năm 2009 vẫn giữ như quy định tại Nghị định 20: Ứng viên chức danh GS là giảng viên 12 điểm, giảng viên kiêm nhiệm 20 điểm; Ứng viên chức danh PGS là giảng viên 6 điểm, giảng viên kiêm nhiệm 10 điểm.
- Theo QĐ 174, định kỳ 3 năm 1 lần, thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học sẽ rà soát, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ được giao của các GS, PGS để xem xét việc giao nhiệm vụ tiếp. Đây là một yêu cầu mới đòi hỏi các GS, PGS đã được bổ nhiệm phải tiếp tục thường xuyên nâng cao trình độ, năng lực và đóng góp của mình mà NĐ 20 trước đây không đặt ra.
3.2. Kế hoạch và lịch xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2009
HĐCDGSNN đã quyết nghị hoàn thành đợt xét năm 2009 trước ngày 20/11/2009. Lịch xét cụ thể sẽ được Thường trực HĐCDGSNN quyết định và sớm thông báo công khai.
3.3. Những nhà khoa học trong và ngoài nước (bao gồm những người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài) có những đóng góp đặc biệt xuất sắc về khoa học và đào tạo cho thế giới và Việt Nam thì Hội đồng Chức danh giáo sư các cấp có thể xem xét đặc cách để công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS hoặc PGS của Việt Nam. Những người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài đã được bổ nhiệm làm GS tại cơ sở giáo dục có uy tín ở nước ngoài thì có thể được xem xét để bổ nhiệm làm GS hay PGS của Việt Nam. Những người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài đã được bổ nhiệm làm PGS tại cơ sở giáo dục có uy tín ở nước ngoài thì có thể được xem xét để bổ nhiệm làm PGS của Việt Nam.
4. Về báo cáo kết quả hoạt động của HĐCDGSNN nhiệm kỳ 2001-2007
- HĐCDGSNN nhiệm kỳ 2009-2014 đã cùng với các thành viên HĐCDGSNN nhiệm kỳ trước nghe, trao đổi về báo cáo tổng kết, kết quả công tác xét công nhận chức danh GS, PGS từ năm 2001 đến 2007 do GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch HĐCDGSNN trình bày.
- Chủ tịch HĐCDGSNN nhiệm kỳ 2009-2014 đã ghi nhận những đóng góp to lớn của các GS thành viên HĐCDGSNN nhiệm kỳ 2001-2007 và mong muốn các GS tiếp tục đóng góp những kinh nghiệm quý báu của mình cho công việc của HĐCDGSNN khoá mới.
- GS.TSKH. Phạm Minh Hạc, Chủ tịch HĐCDGSNN nhiệm kỳ 2001-2007 đã thay mặt các GS thành viên phát biểu ý kiến và nhấn mạnh: Kết quả công việc của HĐCDGSNN nhiệm kỳ 2001-2007 đã góp phần xây dựng đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học có chất lượng và ngày càng trẻ hoá.
Thông tin đầy đủ và chi tiết về nội dung các văn bản pháp quy của việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2009 sẽ được in trong cuốn “Văn bản pháp quy” trong thời gian tới ./.
TM. Thường trực HĐCDGSNN
Tổng thư ký
GS.TSKH. Trần Văn Nhung